Soạn bài Đức tính giản dị của Bác Hồ

Soạn bài Đức tính giản dị của Bác Hồ

Đánh giá: 7/10

Soạn bài Đức tính giản dị của Bác Hồ


I. VỀ TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM


1. Tác giả


Phạm Văn Đồng (1906-2000) là nhà cách mạng nổi tiếng và nhà văn hoá lớn, quê ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ông tham gia cách mạng từ năm 1925, đã giữ nhiều cương vị quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, từng là Thủ tướng Chính phủ trên 30 năm. Phạm Văn Đồng có nhiều công trình, bài nói và viết sâu sắc về văn hoá, văn nghệ, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân văn hoá của dân tộc.


2. Tác phẩm


Đoạn văn Đức tính giản dị của Bác Hồ trích từ bài Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại – diễn văn trong Lễ kỉ niệm 80 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1980).


II. KIẾN THỨC CƠ BẢN


1. Đối tượng và đề tài nghị luận đã được nêu rõ trong đề bài và câu mở đầu của bài văn:


Đức tính giản dị của Bác Hồ.


[…] Sự nhất quán giữa đời hoạt động chính trị lay trời chuyển đất với đời sống bình thường vô cùng giản dị và khiêm tốn của Hồ Chủ tịch.


Tác giả đã chứng minh đức tính giản dị của Bác trên các phương diện:


– Bữa ăn hằng ngày.


– Nhà ở.


– Việc làm.


– Lời nói, bài viết.


2. Vì đây chỉ là một đoạn trích nên không có đủ các thành phần trong bố cục thông thường của một bài văn nghị luận. Cụ thể:


Mở bài: Sự nhất quán giữa cuộc đời cách mạng và cuộc sống thanh bạch, giản dị của Bác.


Thân bài: Tác giả chứng minh sự giản dị của Bác trong sinh hoạt, lối sống, việc làm:


+ Bữa ăn thanh đạm, giản dị.


+ Căn nhà sàn đơn sơ, gần gũi thiên nhiên.


+ Công việc bận rộn nhưng Bác không muốn làm phiền đến người khác.


Bình luận: Đời sống vật chất giản dị, thanh bạch là sự hoà hợp tuyệt vời với đời sống tinh thần sôi nổi, phong phú của Bác.


+ Giản dị trong lời nói, bài viết.


3. Những chứng cứ ở đoạn văn từ “Con người của Bác” đến “Nhất, Định, Thắng, Lợi!” rất giàu sức thuyết phục vì trước hết, tác giả đã đưa ra một hệ thống luận cứ toàn diện, từ bữa ăn, nhà ở đến việc làm, cách nói, cách viết… Các dẫn chứng đều cụ thể, xác thực và rất phong phú. Hơn nữa, những điều tác giả nói ra lại được bảo đảm bằng mối quan hệ gần gũi, lâu dài của mình với Chủ tịch Hồ Chí Minh.


4. Trong đoạn trích, ngoài các luận điểm, luận cứ để chứng minh, tác giả còn kết hợp với những lời bình luận, giải thích sâu sắc để bạn đọc hiểu rõ thêm vấn đề. Ví dụ: Sau phần chứng minh về đức tính giản dị của Bác trong đời sống sinh hoạt, tác giả viết:


Nhưng chớ hiểu lầm rằng Bác sống khắc khổ theo lối nhà tu hành, thanh tao theo kiểu nhà hiền triết ẩn dật. Bác Hồ sống đời sống giản dị, thanh bạch như vậy, bởi vì Người sống sôi nổi, phong phú đời sống và cuộc đấu tranh gian khổ và ác liệt của quân chúng nhân dân. Đời sống vật chất giản dị càng hoà hợp với đời sống tâm hồn phong phú, với những tư tưởng, tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất. Đó là đời sống thực sự văn minh mà Bác Hồ nêu gương sáng trong thế giới ngày nay“.


Trong đoạn văn trên, tác giả đã phối hợp nhiều phương pháp, biện pháp khác nhau:


– Lật lại vấn đề: “Nhưng chớ hiểu lầm rằng…”.


– Giải thích: “bởi vì Người sống sôi nổi, phong phú…”.


– Bình luận: “Đời sống vật chất giản dị càng hoà hợp với đời sống tâm hồn phong phú, với những tư tưởng, tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất…”.


Cách phối hợp các phương pháp, biện pháp khác nhau như vậy giúp cho tác giả soi sáng vấn đề từ nhiều góc độ, đồng thời cũng khiến cho bài viết tăng thêm sức thuyết phục và hấp dẫn hơn.


5. Những nét đặc sắc trong nghệ thuật nghị luận của bài văn:


– Luận điểm ngắn gọn, tập trung.


– Luận cứ xác đáng, toàn diện.


– Luận chứng phong phú, cụ thể, xác thực.


Tư tưởng, giá trị của bài văn còn được thể hiện rõ ràng và sâu sắc hơn qua sự kết hợp phương pháp nghị luận chứng minh với các phương pháp, biện pháp khác như giải thích, nêu vấn đề và lật lại vấn đề…


III. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG


1. Tóm tắt


Bài văn nêu bật đức tính giản dị của Bác thể hiện trên nhiều phương diện: từ sinh hoạt, lối sống, quan hệ với đồng chí, đồng bào, trong lời nói, cách viết…


2. Cách đọc


Văn bản này cũng được viết dưới dạng bài văn nghị luận. Ngoài những yêu cầu chung về cách đọc một văn bản nghị luận, khi đọc cần chú ý nhấn mạnh các chi tiết sinh động (được trình bày bằng thủ pháp liệt kê) trong đời sống hằng ngày của Bác. Ngoài ra, cách lập luận trong đoạn thứ ba (“Nhưng chớ hiểu lầm rằng…” là một hình thức chuyển ý rất quan trọng, giúp tác giả triển khai vấn đề trên một bình diện khác sâu sắc hơn. Cần nhấn mạnh khi đọc đoạn này (có thể bằng cách đọc cao giọng hơn hoặc thay đổi giọng đọc, nhịp đọc).


3. Một số ví dụ về tính giản dị của Bác thể hiện trong thơ văn của Người:


Sáng ra bờ suối, tối vào hang


Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng


Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng


Cuộc đời cách mạng thật là sang.


(Tức cảnh Pác Bó)


Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay


Vượn hót chim kêu suốt cả ngày


Khách đến thì mời ngô nếp nướng


Săn về thường chén thịt rừng quay


Non xanh nước biếc tha hồ dạo


Rượu ngọt chè ngon mặc sức say


Kháng chiến thành công ta trở lại


Trăng xưa hạc cũ với xuân này.


(Cảnh rừng Việt Bắc)


4. Giản dị là một đức tính, một phẩm chất cao đẹp mà mỗi chúng ta nên có. Giản dị, với mỗi người, thường thể hiện ở lời nói, ở việc làm, thể hiện trong lối sống, trong quan hệ với người xung quanh. Nó là cách ứng xử cao đẹp, nói lên sự hiểu biết của bản thân mỗi chúng ta.