The Soda Pop
Đọc hiểu Thơ Hai cư

Đọc hiểu Thơ Hai cư

Đánh giá: 7/10

Đọc hiểu Thơ Hai cư


I Gợi dẫn


1. Thể loại


Thơ hai-cư là một trong những niềm tự hào của nền văn hoá Nhật Bản. Kết tinh những tinh hoa của văn hoá, văn học phương Đông và tinh thần Thiền tông, thơ hai-cư có một vẻ riêng rất độc đáo, đó là tính hàm súc và chiều sâu tư tưởng nhân sinh. Thơ hai-cư thanh thoát, sâu sắc và tinh tế. Thơ hai-cư thường ngắn (khoảng 17 âm tiết), mỗi bài có một tứ thơ nhất định, ghi lại một phong cảnh với vài sự vật cụ thể, trong một thời điểm nhất định, để từ đó khơi gợi lên một xúc cảm hay suy tư sâu sắc nào đó.


2. Tác giả


Ma-su-ô Ba-sô (1644 – 1694) là một trong những nhà thơ nổi tiếng của Nhật Bản, người đã đưa thơ hai-cư lên trình độ tinh luyện về nghệ thuật và sâu sắc về giá trị nhân sinh. Ba-sô sinh ra ở I-ga trong một gia đình võ sĩ cấp thấp. Ông từng đi nhiều nơi trên khắp nước Nhật để học tập và để sáng tác. Tác phẩm của Ba-sô thể hiện tình yêu thương sâu sắc đối với con người. Tác phẩm tiêu biểu : Ngày đông (1684), Đoản văn trong đãy (1688), Nẻo đường Đông Bắc (1689), áo tơi cho khỉ (1691), Bao đựng than (1694),…


Yô-sa Bu-son (1716 – 1783) sinh ra ở miền Ô-sa-ca, Nhật Bản, trong một gia đình giàu có. Ông để lại khoảng ba nghìn bài thơ. Bu-son là nhà thơ và hoạ sĩ nổi tiếng Nhật Bản, một trong những môn đồ phát huy phong cách thơ hai-cư của Ba-sô. Thơ hai-cư của Bu-son giàu màu sắc, âm thanh ; ý hàm súc, ngắn gọn, trữ tình.


3. Tác phẩm


Chùm thơ thứ nhất (Ngữ văn 10) gồm tám bài, chùm thơ thứ hai gồm sáu bài (Ngữ văn 10 nâng cao) thể hiện những trạng thái tình cảm khác nhau của nhà thơ, trong đó nổi bật là tình yêu thương đối với con người, tình yêu đối với quê hương đất nước.


4. Cách đọc


Do đặc điểm thơ hai-cư hàm súc, kiệm lời, lại chỉ gồm ba dòng, nên khi đọc cần đọc chậm, ngắt giọng và chuyển mạch cảm xúc sau mỗi dòng thơ.


II Kiến thức cơ bản


A. Chùm thơ thứ nhất


Những nét vẽ trong trẻo bởi ngôn từ hàm súc ghi lại những biến động tinh tế của vạn vật và những rung động thiêng liêng của tâm hồn nghệ sĩ đã tạo nên những bài thơ hai-cư xinh xắn, duyên dáng và sâu sắc. Đằng sau những bức tranh thuỷ mặc với những nét chấm phá, những hình ảnh rất đỗi bình dị của cuộc sống đời thường là những tư tưởng nhân sinh sâu sắc.


Nếu người phương Tây ưa hành động, thích hướng ngoại thì người phương Đông lại thích lắng mình trong những suy tư. Triết học phương Tây thiên về lí giải xã hội, tự nhiên bằng tư duy, người phương Đông khi lí giải xã hội lại thiên về đời sống tâm linh. Cái thâm trầm kín đáo của người phương Đông cùng với tư tưởng “thiên nhân hợp nhất”, “vạn vật hữu linh” đã thể hiện rất rõ trong thơ hai-cư. Mỗi bài thơ hai-cư là kết quả của những giây phút thăng hoa của tâm hồn người nghệ sĩ phương Đông vốn rất nhạy cảm và có sự tương giao đặc biệt với thiên nhiên.


Luôn “lắng nghe tiếng đời lăn náo nức”, các nhà thơ hai-cư với “tai mở rộng và lòng sôi rạo rực” đã ghi lại những giây phút hiếm hoi khi con người và vạn vật giao hoà bằng khả năng ngôn ngữ trác việt của mình. Mỗi con người là một vũ trụ nhỏ bé nhưng vô cùng phức tạp với những trạng thái tình cảm và tâm trạng rất khác nhau. Đọc những bài hai-cư rất ngắn của Ba-sô, người đọc có thể gặp ở đó rất nhiều trạng thái tình cảm của mình, tình cảm với quê hương, với mẹ, với đồng loại và với cả thiên nhiên, cuộc đời.


1. Năm 20 tuổi, Ba-sô rời quê hương lên Ki-ô-tô, kinh đô Nhật Bản thời ấy, để học văn học cổ điển, thơ hai-cư và Thiền tông. Sau đó ông chuyển đến Ê-đô. Những năm cuối đời, để nuôi dưỡng cảm hứng thơ ca, nhà thơ đã đi chu du khắp đất nước và sáng tác. Với tấm lòng luôn tha thiết với cuộc sống và tâm hồn nhạy cảm, sống ở đâu nhà thơ cũng có những tình cảm gắn bó với mảnh đất ấy. Và như nhà thơ Chế Lan Viên đã tổng kết :


Khi ta ở chỉ là nơi đất ở


Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn


và :


Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương


 (Tiếng hát con tàu)


Nhà thơ Ba-sô sau hơn mười năm sống, học tập và lao động ở Ê-đô đã trở lại thăm quê. Và giây phút tạm biệt kinh đô Ê-đô để về thăm quê nhà thơ đã có những xúc động rất chân thành. Giây phút ấy được ghi lại ở hai bài hai-cư xinh xắn, đầy trăn trở và suy tư :


 Đất khách mười mùa sương


về thăm quê ngoảnh lại


Ê-đô là cố hương.


Vẫn là tứ thơ của bài Độ Tang Càn của Giả Đảo nhưng bài thơ của Ba-sô hàm súc hơn. Hai dòng đầu đề cập đến hoàn cảnh nảy sinh cảm xúc, hình ảnh nhân vật trữ tình hiện lên rất rõ : bước đi và ngoảnh lại. Về thăm quê sau nhiều năm xa cách, ai cũng đầy tâm trạng. Nhưng thông thường, người ta chỉ hướng đến nơi sẽ đến, nhất là nơi ấy lại là quê hương sau bao ngày xa cách. Nhân vật trữ tình ở đây cũng vậy. Niềm mong ước được trở về quê hương đã thể hiện ở dòng thơ đầu tiên. Khi cất bước thăm quê, Ê-đô vẫn là đất khách. Trên đất khách nên nhớ và khao khát về thăm quê. Nhưng khi đã cất bước ra đi thì lại “ngoảnh lại”. Và “đất khách” thành “cố hương”. Ê-đô lại trở thành quê hương, lại gắn bó máu thịt với người ra đi.


Bài thơ đã thể hiện tấm lòng tha thiết với quê hương, đất nước của nhà thơ. Đồng thời nó cũng đã ghi lại được phút giây rất đỗi thiêng liêng trong mỗi con người. Người ta chỉ có thể nhận ra sự quý giá của một cái gì đó khi đã sắp mất đi. Con người chỉ thấy mình gắn bó với mảnh đất ấy khi mình phải cất bước ra đi, phải rời xa nó. Với thể loại hai-cư, Ba-sô đã thể hiện thành công và chính xác một trong rất nhiều những trạng thái tình cảm của con người. Từ “đất khách” mở đầu, từ “cố hương” kết thúc, vẫn chỉ một đối tượng, đã diễn tả và ghi lại được phút giây bừng ngộ chân lí của nhân vật trữ tình.


2. Tình cảm với quê hương đất nước, với những mảnh đất đã từng gắn bó còn được thể hiện ở bài thơ thứ hai :


                                 Chim đỗ quyên hót


ở Kinh đô


mà nhớ Kinh đô.


Bài thơ được viết khi tác giả trở lại Ki-ô-tô sau nhiều năm phiêu bạt. Đây là cuộc gặp gỡ của những cố nhân. Một cuộc gặp gỡ đầy tâm trạng.


“Cảm thức thẩm mĩ của hai-cư, nhất là hai-cư của Ba-sô có những nét rất riêng, rất cao và tinh tế… Hai-cư chỉ gợi chứ không tả”. Tứ thơ đơn giản nhưng sâu sắc. Âm thanh của tiếng chim đỗ quyên hót đã gợi tả sự tĩnh lặng của không gian. Hai-cư vốn đề cao cái vắng lặng, đơn sơ, hiu hắt, u huyền… bởi đó là không khí dễ gợi và dễ cảm nhận tâm trạng nhất. Dùng âm thanh để gợi tả sự tĩnh lặng là bút pháp nghệ thuật quen thuộc của thi ca cổ điển phương Đông. Kinh đô vốn là chốn phồn hoa đô hội, vậy mà lại nghe được âm thanh của tiếng đỗ quyên hót.


Không viết nhiều, chỉ một thứ âm thanh gợi một nỗi nhớ nhưng gợi mở bao nhiêu ý nghĩa. Đứng giữa kinh đô mà nhớ kinh đô. Đây là kinh đô ở hai thời điểm khác nhau. Một kinh đô đồng hiện : kinh đô của quá khứ và kinh đô của hiện tại. Nỗi nhớ ở đây là “niềm tiếc nuối” của nhà thơ. Gặp lại kinh đô hoang tàn của hiện tại, nhớ kinh đô xưa tươi đẹp. Cũng có thể hiểu rằng, bài thơ thể hiện tình yêu tha thiết của nhà thơ đối với đất nước mà hiện thân của đất nước là kinh đô. Tình cảm tha thiết ấy trào dâng trong lòng khi con người ngược thời gian trở về với miền mong nhớ.


3. Tình cảm giữa con người đối với con người là dòng chảy bất tận của thi ca – trong đó tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng, chân thành và bản năng nhất. Tình cảm thật của nhân vật trữ tình – tác giả đối với mẹ thật sâu nặng và được thể hiện thật xúc động. Một hình ảnh choán ngợp cả bài thơ – hình ảnh người con khóc mẹ. Đây là hoàn cảnh thật của chính nhà thơ, trở về nhà khi mẹ đã qua đời và hình ảnh của mẹ chỉ còn lại là một nắm tóc bạc. Mang trong lòng nỗi đau mất mẹ, cầm trên tay di vật của mẹ, đây là hình ảnh người con :


Lệ trào nóng hổi


tan trên tay tóc mẹ


làn sương thu.


Nước mắt đớn đau chảy vào hoài niệm. Không ghi nhiều, chỉ một nét gợi mơ hồ và mờ ảo, bài thơ đã truyền tải được tình cảm yêu thương vô bờ của người con đối với mẹ.


4. Tình yêu tha thiết của nhà thơ với con người, với vạn vật là một trong những mạch nguồn cảm hứng dồi dào của Ba-sô. Bài thơ này thể hiện tấm lòng nhân ái sâu sắc của ông :


Tiếng vượn hú não nề


hay tiếng trẻ bị bỏ rơi than khóc ?


gió mùa thu tái tê.


Tiếng hú của con vượn như xoáy vào nỗi niềm trắc ẩn. Nghe tiếng vượn hú, Ba-sô lại liên tưởng đến tiếng trẻ con. Ba câu thơ, hai cảnh ngộ (hồi ức và hiện tại) đan quyện và cộng hưởng. Dường như tiếng vượn kêu não nề trong gió cũng khiến lòng người tái tê. Thơ hai-cư là loại thơ kiệm lời, vì thế nhà thơ phải biết lựa chọn những hình ảnh và âm thanh gợi cảm nhất, hàm súc nhất. Bài thơ ngắn nhưng ý nghĩa lại rất sâu sắc, chứa đầy giá trị nhân sinh.


Bài thơ viết về cảnh ngộ thật thương tâm, cảnh ngộ của những đứa trẻ mồ côi bị cha mẹ bỏ rơi giữa dòng đời. Và nhà thơ đã lựa chọn một thứ âm thanh thật đặc biệt, thứ âm thanh não nề và thương tâm. ý thơ lạ và độc đáo.


Tiếng vượn hú não nề


hay tiếng trẻ bị bỏ rơi than khóc ?


Âm thanh thứ nhất gợi không khí hoang vu, nặng nề. Âm thanh thứ hai gợi bao điều trắc ẩn. Tiếng trẻ tha thiết rên rỉ trong cô đơn, trong cảnh ngộ không nơi nương tựa. Bài thơ khắc hoạ một hình ảnh vô cùng xúc động, làm đau đớn trái tim người đọc. Âm thanh của tiếng vượn hú đã thê lương nhưng “tiếng trẻ bị bỏ rơi than khóc” còn thê lương, thảm thiết hơn nhiều. Nó khiến người đọc rơi nước mắt. Bao trùm cả bài thơ là âm thanh và không khí u trầm, buồn đau. Khí trời mùa thu tái tê càng làm cho bài thơ thêm phần ảm đạm.